Lục Ngạn là vùng vải an toàn khi hoàn thành cơ bản xét nghiệm cộng đồng và không phát hiện ca Covid 19. Tuy nhiên, nhiều chủ sản xuất, doanh nghiệp vẫn lo lắng bởi tình trạng dịch bệnh, người lao động ngại ra vườn, làm thiếu hụt lao động thời vụ khi mùa thu hoạch vải đang gần kề.
Nguồn nhân lực thiếu
Thông thường, mùa thu hoạch vải thiều tại Bắc Giang kéo dài khoảng 2 tháng (từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7 hằng năm).
Lục Ngạn là vùng trồng vải thiều lớn nhất tỉnh Bắc Giang, với khoảng 15.000 hecta. Lãnh đạo huyện cho biết năm nay vải thiều được mùa, sản lượng lẫn chất lượng tốt hơn so với mọi năm, dự kiến thu hoạch tới 140.000 tấn. Năm ngoái quả vải thiều mang về cho Lục Ngạn hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó riêng tiền bán vải khoảng 4.000 tỷ, 2.000 tỷ đến từ dịch vụ hậu cần như thùng xốp, đá cây, vận tải…
Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay đạt trên 180.000 tấn. Tính đến 6/6, sản lượng tiêu thụ đạt gần 50.000 tấn, gồm 33.600 tấn trong nước và xuất khẩu khoảng 16.400 tấn tại Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Giá bán một cân vải dao động 12.000 đến 32.000 đồng.
Để thu hoạch lượng vải lớn như trên, các doanh nghiệp huy động nguồn lực lao động lớn, ngoài lực lượng lao động địa phương sẽ có thêm lao động đến từ các tỉnh lân cận. Tận dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ như: học sinh, sinh viên trong các gia đình dịp nghỉ hè phụ giúp gia đình…
Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều gia đình ngại tiếp xúc nên không cho phép con em tham gia vào các công đoạn thu hoạch, sơ chế vải…
Theo bí thư Huyện ủy Lục Ngạn Nguyễn Việt Oanh, thiếu người thu hoạch vải hiện đang là bài toán khó khăn nhất lúc này, trong khi sản lượng vải mỗi ngày phải tiêu thụ 7.000 tấn và chỉ khoảng 4-5 ngày nữa là vải chín rộ.
Hàng năm có hơn 20.000 lao động trong huyện và các vùng lân cận đổ về thu hoạch vải, nhưng năm nay vướng dịch bệnh, huyện huy động mới được khoảng 15.000 người từ công nhân, nông dân đến thanh niên, công an, quân đội trên địa bàn trợ giúp.
Doanh nghiệp của ông Phương – giám đốc công ty CP Xuất Nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang) là một điển hình. Đây là một trong những đơn vị tham gia đưa vải thiều Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…
Do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, các kế hoạch kinh doanh, tiêu thụ vải thiều của công ty ông Phương thay đổi liên tục. Ông Phương rất mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc thu hút lao động; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh để người dân yên tâm làm việc.
Để đảm bảo an toàn cho nhân sự của công ty, doanh nghiệp của ông Phương sẽ “test” kiểm tra Covid-19 miễn phí cho tất cả người lao động. Ngoài ra, vì không đủ nhân công nên doanh nghiệp này đã phải nhờ hết vào nông dân trong các khâu thu hoạch, phân loại, đóng thùng,… Khi về nhà máy, doanh nghiệp sẽ thực hiện các khâu chế biến, xử lý, khử trùng khác theo yêu cầu để đảm bảo chất lượng trước khi xuất khẩu. Ngày 26/5/2021, công ty Toàn Cầu của ông đã xuất lô vải đầu tiên sang Nhật với sản lượng khoảng 4-10 tấn.
Hướng giải quyết để đảm bảo tiến độ thu hoạch
Nhằm giải quyết bài toán thiếu người, toàn huyện đã tổ chức khoảng 400 tổ đổi công thay nhau giúp các hộ thu hoạch vải. Chính quyền huy động thêm lực lượng từ công an các nơi tăng cường; nhờ Trường bắn quốc gia khu vực 1 cử thêm gần trăm chiến sĩ xuống giúp dân.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 điều động bộ đội từ các đơn vị đang đóng quân trên địa bàn Lục Ngạn giúp đỡ nông dân thu hoạch vải thiều.
Theo ông Oanh, Lục Ngạn là vùng vải an toàn khi hoàn thành cơ bản xét nghiệm cộng đồng và không phát hiện ca Covid-19. Trước đó, chính quyền đã tiêm vaccine cho lái xe lẫn người thu mua vải; bố trí ba điểm test nhanh Covid-19 tại các điểm cân vải tập trung như xã Phượng Sơn, Giáp Sơn và thị trấn Chũ; giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương qua các cửa khẩu được nhanh chóng.
Tin cùng chuyên mục:
Thị xã Chũ tầm nhìn 2030
Đặc điểm vị trí địa lí Thị xã Chũ
Thành lập thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa