Người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sử dụng nhiều cành cây lớn để rào đường, dựng chốt không cho người lạ lên đồi để bảo vệ vùng vải an toàn. Vải thiều của huyện này sắp đến ngày thu hoạch trong lúc dịch Covid 19 bùng phát với những diễn biến phức tạp.
Bảo vệ vùng vải an toàn dịch bệnh
Theo ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, so với năm 2020, doanh thu từ vải thiều mang lại cho huyện Lục Ngạn là 7.000 tỷ đồng thì năm nay sản lượng vải tăng, chất lượng cũng tăng và dự kiến giá trị cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đúng thời điểm chính vụ thu hoạch vải thiều giữa lúc dịch bệnh Covid 19 đang ngày một phức tạp với số ca lây nhiễm trên cộng đồng tăng cao. Người dân huyện Lục Ngạn nói riêng và toàn tỉnh Bắc Giang phải căng mình chống dịch.
Những ngày qua, người dân thuộc các xã Thanh Hải, Tân Quang, Hồng Giang, Quý Sơn… của huyện Lục Ngạn đã triển khai các biện pháp để bảo vệ an toàn cho vùng vải sắp đến ngày thu hoạch.
Duy trì các chốt tự quản, các tổ Covid cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố đề phòng, chống dịch, bảo vệ vùng vải sắp đến mùa thu hoạch. Với cái nắng nóng lên tới 39-40 độ trong những ngày qua, sử dụng lều bạt che tạm giữa đường nhưng các chốt tự quản vẫn thực hiện nghiêm túc, ghi chép lịch trình, người ra, vào, theo dõi, đo nhiệt độ từng người…
Ngoài việc thiết lập các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các trục đường liên thôn, liên xã, bà con còn lấy cành rào các con đường lên đồi vải để ngăn người lạ lên.
Một đồi vải của mỗi hộ gia đình có khoảng 100-200 gốc cây, có tuổi đời lâu năm. Đối với giống vải thiều thuần chủng mỗi năm thu hoạch khoảng chục tấn vải, mang lại nguồn thu cả trăm triệu đồng. Do đó, người dân nơi đây quyết tâm bảo vệ “tài sản” quý giá này giữa lúc dịch bệnh bùng phát.
“Chúng tôi cũng rất lo, sợ dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới việc bao tiêu quả vải trong mùa thu hoạch năm nay. Tỉnh, huyện đã có nhiều phương án để người dân yên tâm sản xuất, nhưng vẫn rất lo lắng” – ông Ngọt (một người dân của huyện cho hay).
Theo chủ tịch xã Hồng Giang, Bùi Đức Văn cho biết: diện tích trồng vải toàn xã là 521ha. Năm 2020, vải mất mùa, cả xã đạt sản lượng 3.000 tấn quả. Năm nay, ước đạt 5.000 tấn. Quả vải là nguồn thu kinh tế chủ lực của xã, mỗi năm mang lại doanh thu khoảng 100 tỷ đồng.
Năm 2021, diện tích vải thiều trên địa bàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều.
Tạo vành đai bảo vệ “vùng vải nghìn tỷ” giữa tâm dịch
Để bảo vệ vùng vải an toàn trước tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra các phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19, chủ động thực hiện phương án không để các F1 cách ly tại Lục Ngạn mà cách ly tập trung tại các huyện khác trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn dịch tễ để có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho biết, tỉnh cũng có văn bản xin Chính phủ chủ trương, cấp visa cho 190 thương nhân người nước ngoài được nhập cảnh thu mua vải thiều tại đây.
Phương án cụ thể, Bắc Giang thiết lập “vành đai bảo vệ” vùng sản xuất vải thiều an toàn trong tỉnh, lập các chốt kiểm tra y tế trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung, bao gồm kiểm tra, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện ra vào.
Tiến hành lập danh sách và kiểm tra y tế đối với tất cả các mã số vùng trồng vải, các trang trại, các tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải phải đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19; kiểm tra y tế đối với các cơ sở đóng gói, sơ chế vải thiều.
Huyện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ những chủ cân, thương nhân mua vải như test covid, phun khử khuẩn,…
Lái xe và phương tiện tham gia vận chuyển cũng được kiểm tra y tế; lấy mẫu xét nghiệm cho các lái xe, khi có kết quả âm tính sẽ cấp giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền và cho lưu hành.
Lấy mẫu xét nghiệm với các nhân công lao động từ các địa phương khác đến tham gia thu hái vải thiều, đóng gói, vận chuyển vải thiều đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.
Các thương nhân, đại lý, điểm thu mua được yêu cầu phải đăng kỹ rõ ràng nơi thu mua, có bao nhiêu lao động, có bao nhiêu lái xe để vận chuyển hàng hóa…
Sau khi đóng hàng, các lô vải thiều sẽ được phun thuốc khử khuẩn bằng Cloramin B, đồng thời dán tem “Vải thiều không có dịch COVID-19” trên thùng hàng trước khi được vận chuyển đi tiêu thụ.
Tin cùng chuyên mục:
Thị xã Chũ tầm nhìn 2030
Đặc điểm vị trí địa lí Thị xã Chũ
Thành lập thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa