Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp, huyện Lục Ngạn đang khuyến khích người dân xây lò sấy vải nhằm bảo quản vải thiều, góp phần đa dạng sản phẩm.
Vụ vải thiều năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ước đạt gần 200 nghìn tấn. Vải thiều sớm ước đạt gần 50 nghìn tấn; trong đó huyện Tân Yên là 15 nghìn tấn, huyện Lục Ngạn khoảng trên 30 nghìn tấn. Đến ngày 31/5/2021 toàn tỉnh đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng trên 20 nghìn tấn, đạt trên 30% tổng sản lượng vải thiều sớm ước đạt của cả năm; giá vải sớm giao động từ 20 nghìn đến trên 30 nghìn đồng/kg. Mặc dù trong điều kiện tỉnh Bắc Giang đang phải tập trung cao nhất cho chống dịch COVID – 19, nhưng việc thu hoạch tiêu thụ vải thiều sớm và vải thiều chính vụ vẫn diễn ra cơ bản thuận lợi; sẽ tiếp tục là một năm được mùa, được giá.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, năm 2021 sản lượng vải thiều trên địa bàn huyện ước đạt trên 120 nghìn tấn. Cùng với thu hoạch vải sớm, hiện nay, đã có một số hộ bắt đầu thu hoạch vải thiều chính vụ. Do ảnh hưởng của dịch, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, trong đó, có dự kiến tình huống xấu nhất là dịch ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động xuất khẩu vải thiều, như vậy sản lượng vải thiều chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Với tình huống đó, thì vải thiều của Lục Ngạn tiêu thụ ở trong nước lên đến 80 nghìn tấn; ngoài ra phải tăng cường sấy khô và phải đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ vải thiều tươi.
Khuyến khích người dân xây lò sấy vải
Theo đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, để chủ động ứng phó với tình huống xấu, huyện Lục Ngạn chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng mới lò sấy vải theo quy mô hộ gia đình; nhóm hộ.
Theo đó, huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng/lò sấy quy mô 5 tấn vải thiều tươi/lượt sấy trở lên.
Các cơ quan chức năng của huyện đã triển khai phân bổ kinh phí cho các xã trong huyện để kịp thời hỗ trợ nhân dân xây dựng 729 lò sấy mới. Các xã đăng ký xây dựng lò sấy mới, nhiều nhất là xã Kiên Lao 95 lò, xã Nam Dương 72 lò, xã Tân Lập 50 lò… Huyện cũng sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 2 cho việc xây lò sấy mới, đến nay cũng đã có 89 hộ đăng ký. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các lò sấy vải, UBND huyện Lục Ngạn cũng đã đứng ra liên hệ với một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu than, củi, bảo đảm chất lượng cung cấp tận nơi cho nhân dân sấy vải thiều.
Cùng với việc sấy vải, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lục Ngạn, như Công ty cổ phần chế biến thực phẩm GOC, Công ty TNHH MT Dũng Sỹ, Công ty cổ phần thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu, Công ty cổ phần Quốc tế tiến bộ AIC… đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thu mua để chế biến, đóng hộp, sản xuất nước ngọt và các sản phẩm khác từ vải thiều tươi; nâng công suất hoạt động tăng lên gấp 3 đến 4 lần so với trước.
Cùng đó, huyện đang đẩy mạnh các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; thực hiện nghiêm sản xuất vải thiều bảo đảm an toàn dịch bệnh; lập các chốt kiểm dịch y tế trên đường trục chính dẫn vào vùng sản xuất tập trung.
Được biết, vải thiều Lục Ngạn đang vào giai đoạn sinh trưởng quả, dự kiến lứa thu hoạch sớm nhất là vải U hồng vào khoảng 23/5, tập trung từ ngày 10/6. Với diện tích hơn 15,4 nghìn ha, sản lượng vải toàn huyện vụ này ước đạt khoảng 120 nghìn tấn.
Việc triển khai các giải pháp để tiêu thụ vải thiều, vừa thông qua xuất khẩu, nhất là việc chủ động đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, chuẩn bị tốt các điều kiện chế biến tại chỗ, chắc chắn huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang sẽ có mùa thu hoạch vải thiều năm 2021 nhiều thắng lợi.
Tin cùng chuyên mục:
Thị xã Chũ tầm nhìn 2030
Đặc điểm vị trí địa lí Thị xã Chũ
Thành lập thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa