Sông Lục đã in dấu bao chiến công anh hùng hiển hách. Đến Chùa Khánh Vân, ta lại được sống lại năm tháng chống quân Mông Nguyên. Nơi đó có tướng quân Vi Hùng Thắng, người con quê hương đã làm rạng danh Lục Ngạn.
Chùa Khánh Vân ở đâu?
Chùa Khánh Vân thuộc đồi Tân Dã, thôn Hà Thị, nay là Thanh An, thị trấn Chũ, Lục Ngạn (Bắc Giang). Ngôi đền này thờ tướng quân Vi Hùng Thắng, là người con của quê hương Lục Ngạn, người có công lớn giúp vua Trần chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII; đặc biệt từng cứu Trần Hưng Đạo trong trận Nội Bàng tháng 2 -1285.
Vi Hùng Thắng được sử sách ghi danh sánh cùng Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão cùng nhiều danh tướng của triều Trần. Ông được phong tước quận công nên người đời còn gọi Chùa Khánh Vân là đền Quan Quận.
Người anh hùng này là con cụ Phúc Tính và cụ bà Từ Duyên. Từ nhỏ, Vi Hùng Thắng đã bộc lộ tư chất thông minh, học một biết mười. Vì được mọi người yêu mến và quý trọng tài năng, nhiều trai làng đã cùng với Vi Hùng Thắng ngày ngày cưỡi ngựa bắn cung, rèn luyện võ nghệ bảo vệ dân làng.
Câu chuyện về vị tướng Vi Hùng Thắng thờ tại Chùa Khánh Vân
Thời giặc Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 2 và 3 (năm 1285 và 1288), ông từng làm Tướng dân binh của cả một vùng rộng lớn, từ Lộc Bình đến ải Sa Lý về Động Bản, làng Vai, làng Dãng, Coóc Nhi, Coóc Vặn… Dân binh của ông có hàng vạn tay kiếm, tay cung dũng mãnh, phối hợp chặt chẽ với quân đội triều đình… từng đánh hàng chục trận ác liệt, cản bước tiến của giặc khi chúng từ cửa khẩu Chi Ma vào nước ta.
Ngọn cờ dân binh do người anh hùng họ Vi chỉ huy đã vươn cao trên đất Lục Ngạn. Ngọn cờ ấy tung bay khắp miền biên ải Sơn Lục, thực hiện triệt để kế sách của triều đình: “Nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức yếu không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng!”
Thành Nội Bàng là nơi Tổng chỉ huy của quân ta ngự chiến. Phía trước trùng trùng rừng núi kia, là lũy thép lòng dân đêm ngày sẵn sàng chiến đấu quyết liệt. Trong lần giặc Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, khi phòng tuyến Nội Bàng của quân ta bị vỡ, Yết Kiêu – vị gia tướng trung thành của Trần Hưng Đạo vội mở túi cẩm nang xem lời dặn của Ngài và theo đó đã kịp thời chèo thuyền đến Bình Tân kịp đón Chủ tướng, cứu ngài thoát khỏi tay giặc.
Khi ấy Vi Hùng Thắng chỉ huy dân binh đánh chặn đội kỵ binh quân Nguyên để Chủ tướng của mình nhanh chóng xuống thuyền Yết Kiêu tại bến Bình Tân ven sông Lục, thoát khỏi sự truy sát của giặc.
Theo sự tích “Hùng Thắng Vi quận công tôn thần” lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Bắc: Trong trận Nội Bàng diễn ra ngày 1 tháng 2 năm 1288, địch qua đường Sa Lý, Động Bản, vào đến Nội Bàng thì quân giặc sa vào trận phục kích của ta, bị thất bại nặng nề. Chúng điên cuồng đốt phá nhà cửa, chém giết dân ta. Trong trận Tân Giã, ngay cạnh đền Khánh Vân hiện nay, Vi Hùng Thắng cùng đội dân binh chiến đấu vô cùng quả cảm và hy sinh anh dũng.
Nhân dân đã dựng ngôi đền Khánh Vân để ghi nhớ công lao. Tại đền đặt tượng ngài ngồi chính gian giữa, hai bên thờ các tướng thời Trần cùng ông đánh giặc như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão… Tại đây có đôi câu đối: Hùng Thắng tôn thần thiên thu tại/ Quận công dũng tướng vạn cổ liêu (Tôn thần Hùng Thắng ngàn năm còn đó/ Dũng tướng quận công vạn thuở vẫn lưu danh).
Lễ hội Chùa Khánh Vân ngày nay
Công trình chùa Khánh Vân đã được công nhận di tích Lịch sử-Văn hoá cấp tỉnh. Hằng năm cứ ngày 18 tháng 2 âm lịch, Chùa Khánh Vân bắt đầu khai hội để nhân dân khắp vùng hành lễ tâm linh. Đây là lễ hội lớn của người dân Lục Ngạn để tưởng nhớ công lao đánh giặc Nguyên Mông của tướng quân Vi Hùng Thắng. Qua đó, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần thượng võ của nhân dân Lục Ngạn.
Lễ hội Chùa Khánh Vân có các hoạt động văn hoá, thể thao như: Múa lân, hát quan họ trên sông. Đặc biệt có phần thi Tu lễ – mỗi khu phố đều dự thi mâm lễ truyền thống như một phong tục mới của nhân dân thị trấn kính dâng người Anh hùng của quê hương. Ngoài ra còn có các hoạt động giao lưu văn nghệ, thi đấu cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà, chọi chim họa mi và các trò chơi dân gian… Kết thúc là tế lễ và rước hội truyền thống.
Ngày nay, cụm di tích đền – chùa Khánh Vân khang trang đẹp đẽ vẫn là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng trong vùng và là niềm tự hào của nhân dân thị trấn Chũ; đặc biệt vào dịp lễ hội, đền – chùa Khánh Vân là điểm đến chiêm bái, vãn cảnh của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Tin cùng chuyên mục:
Thị xã Chũ tầm nhìn 2030
Đặc điểm vị trí địa lí Thị xã Chũ
Thành lập thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa