Dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song các cơ quan chức năng đang nỗ lực để vận chuyển và xuất khẩu quả vải thiều Việt Nam sang thị trường Trung Quốc – nguồn tiêu thụ vải thiều lớn hàng năm.
Đảm bảo an toàn vùng vải xuất khẩu sang Trung Quốc
Vụ vải bắt đầu vào mùa trong tình trạng dịch bệnh covid 19 phức tạp, ban chỉ đạo Bắc Giang đẩy mạnh phối hợp với nhân dân địa phương thu hoạch vải tiêu thụ trong nước và xúc tiến ra nước ngoài an toàn.
Đảm bảo các yếu tố nguy cơ đều được loại bỏ khỏi vùng vải. Các địa phương lập chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào. Người dân tại vùng vải hạn chế ra khỏi địa bàn; lái xe và người trồng vải được ưu tiên tiêm vaccine, xét nghiệm, chứng nhận không mắc COVID-19. Lô hàng có sự xác nhận trong vùng an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang – cho biết: Mùa vải thiều 2021, tỉnh Bắc Giang đặt kế hoạch phấn đấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 47.000 tấn quả tươi.
Hiện nay, việc thu hoạch và vận chuyển, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía Bắc đang gặp thuận lợi. Trung bình mỗi ngày, hơn 1.000 tấn vải thiều được xuất đi. Đến ngày 2.6, gần 9.000 tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), từ ngày 20.5 đến nay, huyện Lục Ngạn đã cấp hơn 500 Giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh COVID-19 cho các điểm cân, thu mua vải thiều.
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường Trung Quốc, đồng thời không để người trồng vải bị thương lái ép giá và gian lận thương mại trong tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn đã công bố danh sách số điện thoại đường dây nóng của 29 xã, thị trấn trên địa bàn để người dân phản ánh các trường hợp gian lận thương mại, ép giá, thiếu trung thực trong cân hàng.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương
Để hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu vải sang Trung Quốc, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Trần Quang Tấn đã ký quyết định thành lập Tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu năm 2021. Đây là năm đầu tiên Bắc Giang thành lập 2 tổ công tác tại của khẩu là Lào Cai và Lạng Sơn để kịp thời nắm bắt, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu. Sở GTVT Bắc Giang bố trí gần 600 phương tiện tham gia vận chuyển.
Hai “đội đặc nhiệm” này sẽ thường trực tại cửa khẩu các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai để nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu qua cửa khẩu. Đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp cũng như phương pháp xử lý đối với những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Quyết định cũng nêu rõ, Tổ hỗ trợ cần thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu vải thiều về các quy định, điều kiện về người, phương tiện và hàng hoá vận chuyển lưu thông đi đến các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Văn Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại Bắc Giang (thành viên trong Tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu Lạng Sơn) cho biết, vải thiều hiện được xuất khẩu ưu tiên qua “luồng xanh” đi trước. Sau khi vải thông quan hết mới đến các hàng hoá khác làm thủ tục thông quan.
Ban quản lý cửa khẩu cũng chỉ đạo cán bộ làm trước giờ hành chính để phục vụ giải quyết sớm các thủ tục thông quan cho quả vải thiều. Do đó, thời điểm này vải thiều được xuất khẩu sang Trung Quốc rất thuận lợi.
“Hiện tại chưa có thống kê lượng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc của từng địa phương. Nhưng theo số liệu chung thì mỗi ngày có khoảng 400 tấn vải thiều Việt Nam được xuất sang thị trường này”. Ông Thọ nói và cho biết, giá vải thiều sớm tại huyện Tân Yên (Bắc Giang) dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg tuỳ loại. Vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP có giá cao hơn.
Trước đó, theo kế hoạch tiêu thụ vải của Bắc Giang, trong tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh này dự kiến xuất khẩu khoảng 85.000 tấn vải thiều sang Trung Quốc. Còn khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 45.000 tấn vải sang thị trường truyền thống này.
Tin cùng chuyên mục:
Thị xã Chũ tầm nhìn 2030
Đặc điểm vị trí địa lí Thị xã Chũ
Thành lập thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa