Quả vải Bắc Giang ngoài được bán trực tiếp tại chợ, tại vườn cho các doanh nghiệp, thương lái,… hiện cũng được các siêu thị kích hoạt bán online qua fanpage, app… và “bắt tay” cùng sàn thương mại điện tử để tăng tiêu thụ vải thiều.
Vừa bước vào thu hoạch vải thiều chính vụ ít ngày, hệ thống siêu thị Go! và BigC của Central Retail cho biết đã bán được hàng trăm tấn vải. Theo doanh nghiệp, có được kết quả này là nhờ áp dụng hình thức bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử (app Go!, app BigC, fanpage…) bên cạnh kênh tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị trên toàn quốc. Ngoài ra, Centrail Retail còn “bắt tay” với các đối tác giao hàng (Tiki, GrabMart, NowFresh, Baemin) để đưa trái vải tới tận tay người tiêu dùng.
Không riêng Central Retail, các doanh nghiệp bán lẻ khác như VinCommerce cũng mở thêm kênh bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử để “hút” khách hàng.
Theo đại diện của VinCommerce, việc hợp tác với sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp bán lẻ hoàn thiện phương thức kinh doanh, phân phối đa kênh và đảm bảo mua sắm an toàn trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều Bắc Giang ngày 8/6, hệ thống các doanh nghiệp phân phối cũng đã cam kết sẽ tiêu thụ hàng nghìn tấn vải của địa phương này.
Năm nay, sản lượng tiêu thụ vải thiều Bắc Giang tăng thêm 15.000 tấn so với 2020, ước đạt khoảng 180.000 tấn. Vải được mùa, nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang khiến việc tiêu thụ loại trái cây này khó khăn.
Ngoài 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều, Bắc Giang còn kích hoạt chiến lược bảo vệ trái vải khỏi Covid-19. “Chúng tôi quản lý và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều Lục Ngạn an toàn, không Covid-19”, ông Phan Thế Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ.
Bên cạnh tiêu thụ 70% tại thị trường nội địa, từ đầu vụ thu hoạch sớm, trái vải Bắc Giang đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Campuchia, Trung Quốc và dự kiến tuần sau lô vải thiều đầu tiên mùa vụ 2021 sẽ được doanh nghiệp xuất sang thị trường châu Âu.
Ông Tuấn thông tin thêm, vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia). Tháng 3 năm nay, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác.
“Đây là “giấy thông hành” để quả vải Lục Ngạn – Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, khó tính nhưng đầy tiềm năng”, Phó chủ tịch Bắc Giang tin tưởng.
Ngoài hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối, 6 sàn thương mại điện tử trong nước đã kích hoạt gian hàng bán trực tuyến vải thiều Bắc Giang từ 6/6. Đây là kênh tiêu thụ mới nhưng trở nên tiện ích và vượt trội khi Covid-19 đang bùng phát. Các sàn thương mại điện tử này cũng hướng dẫn người trồng vải tại Lục Ngạn trực tiếp “tiếp thị”, bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo. Trong hai ngày đầu tiên mở bán, khoảng 50 tấn vải thiều Bắc Giang đã bán hết và Sendo đặt mục tiêu bán 100 tấn vải đến 15/6.
Trong buổi livestream bán hàng sáng 6/6, bà Đỗ Thị Vân và ông Hà Quang Thành – những nông dân trồng vải ở huyện Lục Ngạn đã thu hút 30.000 người xem đi tham quan vườn trồng của gia đình. Vừa giải thích quy trình trồng vải, cách nhận diện vải thiều, bà Vân vừa kêu gọi người xem đặt hàng trực tuyến. Trong 40 phút livestream, 8 tấn vải thiều đã được “chốt đơn”.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng – Chủ tịch Công ty Sendo gọi việc hướng dẫn bà con trồng vải Lục Ngạn livestream bán hàng là “cuộc chuyển giao công nghệ”, giúp người trồng vải có thêm phương tiện, xây dựng tương lai vững chắc cho nghề nông. Trước Bắc Giang, sàn thương mại điện tử này đã triển khai hình thức bán, chuyển giao công nghệ bán hàng trực tuyến tương tự cho bà con trồng vải tại Hải Dương hồi tháng 4 và 5.
Theo số liệu của Sở Công Thương Bắc Giang, đến ngày 7/6, sản lượng vải thiều tiêu thụ hơn 55.000 tấn, trong đó bán tại thị trường trong nước trên 36.000 tấn, khoảng 65%. Xuất khẩu 19.021 tấn tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… chiếm gần 35%. Giá bán trung bình 12.000-32.000 đồng một kg.
Khác với mọi năm, hiện nay do Covid-19 nên vải Bắc Giang tiêu thụ 2/3 tại thị trường nội địa, chỉ 1/3 dành cho xuất khẩu. Nhưng về lâu dài, theo các doanh nghiệp phân phối, thị trường nội địa nên được coi là “thị trường tiêu thụ chiến lược” của quả vải, thay vì được coi là nơi cứu cánh khi thị trường xuất khẩu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tin cùng chuyên mục:
Thị xã Chũ tầm nhìn 2030
Đặc điểm vị trí địa lí Thị xã Chũ
Thành lập thị xã Chũ, tỉnh Bắc Giang
Uống nước cam khi nào tốt nhất? Cách pha nước cam mật ong bồi bổ cơ thể bốn mùa